Afamily: Một công ty ở Hà Nội chi hơn 5 tỉ đồng để xây văn phòng cho 20 nhân viên, sự xa xỉ hay “phần thưởng” xứng đáng với đôi bên?

Nhân viên ở Hà Nội được đi làm trong một văn phòng nghệ thuật hệt như triển lãm với giá trị đầu tư hơn 5 tỉ đồng.

Trước đây, dân văn phòng thường ưu ái những công ty có văn phòng làm việc gần gũi, ấm cúng hệt như “ngôi nhà thứ hai” để có sự thoải mái cho nửa ngày ở chỗ làm. Hiện tại sau đại dịch, mô hình làm việc kết hợp (hybrid work) lên ngôi, cho phép nhân viên linh hoạt kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa, không yêu cầu có mặt trên công ty đủ ngày công thì văn phòng cũng đỡ phải chăm chút, cắt giảm chi phí đầu tư văn phòng cũng là một giải pháp phổ biến của các doanh nghiệp trong thời kì phục hồi sau đại dịch, suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, một công ty ở Hà Nội lại hoàn toàn khác, không những không cắt giảm chi phí đầu tư tiện nghi văn phòng hay thu hẹp để tạo thành mô hình gia đình tối giản mà sếp lại biến văn phòng thành một triển lãm nghệ thuật thật sự, chi phí đầu tư không gian lên đến con số hàng tỉ đồng.

Đi làm ngỡ như đi thưởng thức triển lãm

Với diện tích hơn 80 mét vuông dành cho khoảng 20 người làm việc, không gian làm việc xa xỉ mà chỉ nhìn qua ảnh chụp cũng đủ khiến hội công sở ao ước này là của công ty The Mansions Vietnam Jsc.

Bước vào văn phòng, đập vào mắt đầu tiên là nhiều bức tranh nghệ thuật treo khắp các ngóc ngách, hệt như một nơi đang trưng bày triển lãm tranh. Những bức tranh này đều là tranh gốc của những hoạ sĩ Việt Nam nổi tiếng, chẳng hạn như tranh Đôi uyên ương của hoạ sĩ Mai Đại Lưu, tranh Kí ức của mẹ của hoạ sĩ Nguyễn Đình Dàng, tranh Khung cảnh Pù Luông của hoạ sĩ Nguyễn Nghĩa Cương… Ngồi bất cứ khu vực nào, ngay từ lối bước vào hay sang đến phòng họp, dãy bàn làm việc, khu pantry… đều sẽ được sắp xếp bố trí các bức tranh có nội dung và kích thước phù hợp. Cả một ngày làm việc, đi loanh quanh, cảm giác không khác gì đang ở trong một nơi để thưởng thức, cần suy ngẫm, sáng tạo.

Các bức tranh gốc của nhiều hoạ sĩ Việt Nam nổi tiếng được treo khắp không gian

Ở các công ty thông thường, không gian làm việc sẽ cố tạo sự sáng sủa nhất có thể, từ màu sơn tường, bàn ghế, nội thất… thế nhưng điểm lạ là ở văn phòng này, toàn bộ tường, bàn ghế, kệ sách, trang thiết bị… đều có tông màu đen. Sự chọn lựa màu sắc kì thực vô cùng lạ mắt nhưng lại hài hòa, nhìn tổng thể không gian, không thể không thừa nhận văn phòng này có thiết kế mang tính nghệ thuật vô cùng cao.

Giải đáp về sự trái ngược, anh Trần Quang Trung – đồng sáng lập The Mansions Group: “Theo kiến trúc sư, nguồn cảm hứng thiết kế dựa trên phong cách Asian Modern – Á Đông hiện đại nên tông màu và vật liệu mang tông vàng, be sẫm làm chủ đạo, ngoài ra còn để gia tăng độ tập trung hơn cũng như tạo hiệu ứng gọn gàng, làm rộng không gian làm việc.”

Để tạo ra một nơi làm việc hệt như một triển lãm, thì chi phí bỏ ra gấp nhiều lần một triển lãm thực sự tại Việt Nam. Anh Trần Quang Trung tiết lộ: “Về chi phí, đối với một không gian diện tích vừa phải nhưng tập trung thiết kế chi tiết, công ty đã sử dụng khoảng 230.000USD, tương đương khoảng 5.400.000.000VNĐ. Phần lớn được sử dụng vào những đồ nội thất theo thiết kế và những bức tranh gốc của họa sĩ Việt Nam nổi tiếng.”

Tại sao chi hơn 5 tỉ đồng cho văn phòng chỉ 20 người làm việc?

Ban lãnh đạo của The Mansions Vietnam đổ dồn sự đầu tư kinh phí cho nơi làm việc của nhân viên là vì: “Điều này khá đơn giản, chính bởi công ty hoạt động trong lĩnh vực resort và villa nghỉ dưỡng cao cấp, nên vấn đề về sự trải nghiệm không gian là vô cùng quan trọng. Trong kinh doanh, khách hàng nghỉ dưỡng được coi là end-user đối với dịch vụ, còn trong việc xây dựng một môi trường làm việc, đội ngũ nhân viên chính là end-user của công ty. Do đó, chúng tôi coi việc tạo ra không gian làm việc giống như thực hiện giá trị cốt lõi của công ty về sự “trực quan”.

Anh Trần Quang Trung – đồng sáng lập The Mansions Group

Công ty cũng mong muốn văn phòng phải là nơi mỗi nhân viên dễ dàng kết nối với nhau qua nguồn năng lượng chung, đó là sự năng động, ấm cúng và truyền cảm hứng được tạo nên bởi sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật – vì vậy văn phòng này ra đời.”

Chi phí 5,4 tỉ này ngoài đầu tư cho không gian thiết kế theo đuổi tính nghệ thuật thì còn vì lưu tâm đến trải nghiệm tiện ích của nhân viên. Toàn bộ văn phòng đều được bố trí đủ công năng, ví dụ như thảm tiêu âm để giảm tiếng ồn, giữ tốt bầu không khí tập trung, bàn tích hợp tủ thông minh, ghế chống đau lưng cũng chọn loại cao cấp… Tiêu biểu là phòng họp, nơi này được thiết kế đảm bảo riêng tư với góc bo tròn để giảm ảnh hưởng tới lối đi, đầy đủ tivi, bảng, webcam, loa phục vụ virtual meeting…

Phòng họp được ngăn cách bằng kính và lắp rèm để giữ sự liên kết với không gian bên ngoài

Mong đợi của sếp có trùng trải nghiệm thực tế của nhân viên?

Vấn đề đặt ra là, liệu rằng đầu tư đến hơn 5 tỉ cho một nơi chỉ có khoảng 20 nhân sự làm việc, thì mọi người có tận dụng hết những ý đồ trang trí, thiết bị lắp đặt phục vụ chất lượng cao?

Bạn Minh Hội – nhân sự ở bộ phận Marketing của công ty chia sẻ: “Bởi vì các tác phẩm được trưng bày mình thấy không đơn thuần là trang trí, mà còn là sự kết hợp thú vị của những câu chuyện, thế nên làm việc trong không gian này luôn mang lại cho mình nhiều suy ngẫm, cảm xúc, kích thích sáng tạo và tư duy hơn trong công việc. Đặc biệt mỗi lúc không gian nghệ thuật này lại mang một cảm hứng khác nhau, nên tạo cho mình cảm giác mới mẻ dù đến văn phòng hằng ngày.”

Nhân viên công ty chia sẻ rằng văn phòng làm việc giá trị cũng là yếu tố thúc đẩy tạo ra nhiều giá trị hơn.

“Mình cảm thấy đây là nơi làm việc lý tưởng nhất mình từng trải nghiệm luôn ấy, ngồi tại bàn làm việc, vừa thưởng thức cà phê tự pha ở máy khu pantry vừa ngắm tranh, lý thú lắm. Ngoài ra vì là không gian mở nên chúng mình rất tiện trong việc giao tiếp, thời gian xử lý công việc cũng được tiết kiệm rất nhiều.” – Bạn Hà Trang, bộ phận nhân sự.

Khu pantry có máy pha cà phê và chén, ly sứ được chọn lựa kĩ càng để phù hợp thiết kế.

“Mình nghĩ chắc là vì không gian sử dụng những tông tối màu, ánh sáng sử dụng cũng hợp lý, nên mình luôn có sự tập trung để làm việc hiệu quả. Ngoài ra chỗ ngồi làm việc rất tiện, từ ghế êm, bàn rộng, đèn bàn bổ sung ánh sáng đến tủ thông minh lắp ngay bàn… đáp ứng rất tốt nhu cầu của mình.

Có rất nhiều dân văn phòng bây giờ thường thích đến quán cà phê ngồi làm việc vì không gian ở đó mở, không cảm thấy bị gò bó, mà thiết kế ở quán cà phê cũng rất đẹp gia tăng cảm hứng làm việc. Chúng mình thì sướng hơn nhiều, không cất công đi đâu cũng không tốn chi phí, cứ đến văn phòng vừa đẹp vừa có máy pha cà phê. Thành ra làm việc ở một nơi đẹp, cũng có động lực tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp hơn.” – Minh Hội nói thêm.

Nhân viên công ty chia sẻ: “Không cần phải ra quán cà phê nữa vì văn phòng đẹp không thua kém gì!”

Có thể nói, tư duy quản lý của các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện đại đang vô cùng cấp tiến, thể hiện rõ ràng nhất qua sự cập nhật các mô hình làm việc mới, tạo nhiều hoạt động văn hoá nội bộ, gia tăng phúc lợi cho nhân viên… và thậm chí còn đầu tư thiết kế không gian lên đến hàng tỉ đồng. Với tâm sức này, hoàn toàn có quyền kỳ vọng hội văn phòng đang cống hiến hết sức và phát triển tích cực từng ngày, xoá bỏ định kiến hai chiến tuyến sếp – tôi và từ vựng “tư bản” thường được dùng trong giới công sở.

Tư vấn thiết kế: MARS Architects

Photo: Nguyễn Việt Anh

Link bài gốc: Bích Loan – Afamily